KHẢ NĂNG PHÒNG THỦ CỦA VIỆT NAM

Publié le par bendoi


 

KHẢ NĂNG PHÒNG THỦ CỦA VIỆT NAM
Trong vấn đề Biển Đông
(Tin tổng hợp)

 

Lê Hữu Uy

 

Mấy tháng gần đây tình hình vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa rất căng thẳng khi Trung Quốc tỏ ra cứng rắn hơn trong việc đòi chủ quyền hơn 80% biển Đông. Áp lực của Trung Quốc càng ngày càng tăng lên trên vùng biển mà các quốc gia Đông Nam Á đều có tuyên bố chủ quyền chồng lấn nhau như Nam Dương, Miến Điện, Mã Lai, Singapore, Thái Lan, nặng nề nhất là Việt Nam và Philipine như việc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của PetroVN trong mùa hè vừa qua ngay trong vùng lảnh hải đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng như việc xâm phạm lảnh hải đặc quyền kinh tế của Philipine.
Gần đây nhiều công ty thăm dò dầu khí tuyên bố có những giếng khoang tìm thấy dầu hỏa và khí đốt, Trung Quốc càng tỏ ra hung hãn hơn. Trong một bài xã luận của Global Times là cơ quan truyền thông ngoại vi của đảng cộng sản Trung Quốc viết bằng tiếnh Anh và Hoa ngữ, tờ báo này tố cáo các nước láng giềng của Trung Quốc là đã lợi dụng “đường lối ngoại giao hiếu hoà” của Bắc Kinh để thủ lợi cho riêng mình. Do đó, tờ báo cho rằng: “Nếu không thay đổi thái độ, các nước này sẽ phải chuẩn bị tinh thần để nghe tiếng đại pháo”, và chính quyền Trung Quốc cũng phải sẳn sàng cho biện pháp “phản công”  quân sự, vì đây có thể là biện pháp duy nhất để giải quyết tranh chấp.
Trước thái độ ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế về biển và việc phát triển quốc phòng nhanh chóng của Trung Quốc làm các quốc gia trong vùng đều bày tỏ thái độ lo lắng.
Trung Quốc có 3 hạm đội: Hạm Đội Hoàng Hải, hạm đội Đông Hải và hạm đội Nam Hải (còn gọi là hạm đội Nam Sa).
Hạm đội Nam Sa có căn cứ tại đảo Hải Nam được tăng cường thêm nhiều tàu chiến, tàu ngầm hiện đại. Nâng tổng số tàu chiến của hạm đội Nam Sa có đến hơn 60 tàu chiến và tàu ngầm đủ loại trong đó có loại khu trục hạm cao cấp 051C, là loại hiện đại nhất (Trung Quốc có 2 chiếc loại này), lại vừa hạ thũy chiếc hàng không mẩu hạm (Varyag) Trung Quốc tân trang lại và đặt tên là Shi Lang, tên của vị tướng chỉ huy đánh chiếm giành lại đảo Đài Loan từ Bồ Đào Nha hồi thế kỷ 16. Đầu năm nay bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Đinh Quang Liệt nói rằng Trung Quốc không nên là đại cường duy nhất trên thế giới mà không có tàu sân bay. Hiện Trung Quốc đang đóng thêm 2 tàu sân bay nữa dự trù đưa vào biên chế hải quân nước này trước năm 2015. 
Các quốc gia trong vùng rất quan ngại trước sức mạnh quân sự đó của Trung Quốc nên cố gắng bằng mọi nổ lực hiện đại hóa quân đội của quốc gia mình. Đặc biệt chú trọng vào lực lượng không quân và hải quân.
Đối với VN, trả lời một cuộc phỏng vấn của báo ngoại quốc Bộ Trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh  khẳng định: “Đây là việc làm bình thường” phục vụ mục tiêu xây dựng và bảo vệ đất nước. Ông nói thêm: “Vì mục đích xây dựng quân đội mạnh để bảo vệ hòa bình, để ai đó có ý đồ xâm chiếm VN cần để ý đến yếu tố này”.
Thái Lan, Singapore, Mã Lai, Nam Dương, Philipine đều mua sắm thêm vũ khí  hiện đại hoặc nâng cấp vũ khí đang có.
Còn Việt Nam nổ lực hiện đại hóa quân đội như thế nào?
Các cơ quan truyền thông quốc tế như VOA của Hoa Kỳ, BBC của Anh Quốc, RFI của Pháp đưa tin là Việt Nam gấp rút tăng cường quốc phòng. Các hợp đồng mua vũ khí  mới để hiện đại hóa quân đội nhiều tỷ Mỹ Kim của Việt Nam được ký kết từ vài năm qua. Đặc biệt nhất là trong vài tháng gần đây khi ông Nguyễn Tấn Dũng công du đến các quốc gia đồng minh củ của VN (CS) và ngay cả các quốc gia Tây Phương.
Hảng thông tấn Agency France-Press, trong bài bình luận phát đi từ Hà Nội, nhận xét các hợp đồng này là nhằm “củng cố tuyên bố chủ quyền chống lại Trung Quốc trong vùng biển Đông”
Hãng RFP, trích ý kiến của nhiều nhà phân tích nói rằng, phần lớn trang thiết bị quốc phòng của Việt Nam đã quá củ kỷ nên nước này bỏ ra ngân sách lớn để phát triển hạm đội ngầm của mình, trong khi quan ngại gia tăng về căng thẳng với nước láng giềng khổng lồ trong khu vực có Hoàng Sa và Trường Sa. Hãng tin này trích lời ông Richard Bitzinger, phân tích gia về quốc phòng khu vực tại học viện Quan Hệ Quốc Tế mang tên S. Rajaratman ở Singapore, nói rằng ý tưởng chủ đạo của việc mua vũ khí là “đối chọi lại với việc tăng cường quân sự mà Trung Quốc đang tiến hành tại Biển Đông”.
Ông Peter Abigail, Giám đốc viện Chính sách Chiến lược Australia, thì được trích lời nhận định rằng quyết định của Việt Nam không gây ngạc nhiên vì lâu nay nước này bày tỏ quan ngại về môi trường hàng hải, “đặc biệt ở vùng Biển Đông”.
Tờ nhật báo South China Morning Post xuất bản tại Hồng Kông thì đánh giá rằng “Trung Quốc đang đối diện khả năng có đối thủ mới trong sức mạnh tàu ngầm tại Biển Đông” và coi đây là dấu hiệu phản ảnh quan ngại của cả khu vực trước tiến trình củng cố hải quân của Bắc Kinh.
Việt Nam tăng cường quốc phòng trên 2 mặt: Hiện đại hóa quân đội để gia tăng khả năng phòng thủ được hữu hiệu. Mặt khác ký kết các thỏa hiệp liên quan đến quốc phòng với các quốc gia trong vùng như Nhật Bản, Philipine, Singapore, Ấn Độ, Nga và ngay cả Hoa Kỳ.
 
I . HIỆN ĐẠI HÓA QUÂN ĐỘI:
A. HẢI QUÂN:
1-  Lực lượng tàu chiến của Việt Nam:
-Khu trục hạm Gepard 3.9,  VN mua của Nga 2 chiến hạm Gepard 3.9 làm chủ lực cho hải quân, lấy tên là Lý Thái Tổ và Đinh Tiên Hoàng, là thế hệ tàu mới nhất của nhà máy Zelenodolsk. Gepard 3.9 có khả năng tác chiến với tàu ngầm và tàu chiến, đồng thời tiêu diệt các mục tiêu trên không.
Vũ khí trang bị gồm: Hệ thống tên lửa chống hạm Uran-E với 4 bệ phóng với 16 tên lửa chống hạm Kh-35E . Một pháo 76.2 mm AK-176M ở mủi tàu để tác chiến mục tiêu trên mặt nước, mặt đất và máy bay bay thấp, có tốc độ bắn 60-120 phát mỗi phút, tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 15 km và ở độ cao 11.5 km. Ba hệ thống tên lửa phòng không cao tốc Palma có hệ thống điều khiển Mistral, và 2 súng máy 14.5 mm. Hai hệ thống phóng lôi x hai ống phóng 533 mm và một bệ phóng có 12 ống phóng bom phản lực chống ngầm RBU-6000. Đuôi tàu có sân đáp cho 2 chiếc trực thăng Ka-28 ASW.Tàu dài 102 m, lượng giản nước 2.100 tấn, tốc độ 28 hải lý giờ. Công nghệ tàng hình (Sealth Technology) được áp dụng giúp tàu này hiện diện tối thiểu trên màn hình rada của đối phương.
- 4 tàu Svettlyat, phiên bản 10412 của Nga, trang bị pháo, hỏa tiển chống hạm và hỏa tiển phòng không. 2 chiếc vừa tiếp nhận mang số hiệu HQ-261 và HQ-263, còn 2 chiếc khác được chuyển giao vào năm tới;
- 4 tàu hỏa tiển Tarantul I, là tàu được xếp vào loại chủ lực của hải quân VN, tàu trang bị tên lửa chống hạm SS-N-22, có khả năng tấn công các khu trục hạm hiện đại, các mục tiêu xa ngoài 200 hải lý với tốc độ lớn;
- 2 tàu tuần tiểu nhẹ BPS-500;
- 5 chiếc lớp Petya-3.
- 2 tàu siêu tốc Molnya, lớp Project 12418 mua của Nga. Trọng tải 364 tấn, trang bị 1 pháo, 8 tên lửa chống hạm, 16 tên lửa phòng không. Tốc độ khá nhanh 35 hải lý/giờ. Có khả năng tấn công các tàu tuần tra, tàu hộ tống và mục tiêu trên không. Hải quân VN đã khởi công lắp đặt cơ xưởng đóng tàu hạng Molnya dưới sự giám sát về chuyên môn và kỷ thuật của các kỷ sư từ viện thiết kế hàng hải trung ương Almez ở St Petersburg và nhà máy đóng tàu Vympel. Hợp đồng chuyển giao phụ tùng và linh kiện cho VN đóng 6 tàu tên lửa loại này có tổng trị giá là 30 triệu MK, thực hiện trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2016.
- Tàu tuần tra TT400TP, hải quân Việt Nam vừa thành công trong việc đóng một tàu chiến loại TT400TP do Nga chuyển nhượng công nghệ, trang bị hỏa lực gồm 1 pháo, tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không, nhưng theo bản tin không nói rỏ chi tiết về trang bị hỏa lực như thế nào. Tàu dài 54.16 mét, rộng 9.16 mét, tốc độ 32 hải lý/giờ, trọng tải 400 tấn. Có khả năng tấn công các tàu đổ bộ, tàu hộ tống, bảo vệ căn cứ, làm nhiệm vụ tuần tra và bảo vệ tàu dân sự. Có thể hoạt động liên tục 30 ngày đêm trên biển, dù có gió mạnh đến cấp 10 và sóng cấp 8 cũng như có tầm hoạt động xa đến 2.500 hải lý. Loại tàu này hải quân VN sẽ đóng thêm 4 chiếc nữa trong 2 năm tới, theo hợp đồng chuyển giao công nghệ giửa 2 quốc gia.
- Khu trục hạm Sigma, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong tháng 10 vừa qua, ký hợp đồng mua 4 tàu chiến loại Sigma của Hà Lan, 2 chiếc đóng tại Hà Lan với giá 1 tỷ MK mỗi chiếc, và 2 chiếc khác được đóng tại Việt Nam để giá thành thấp hơn. Tàu chiến Sigma là loại rất hiện đại, được trang bị vũ khí gồm 4 bệ phóng tên lửa chống hạm MM40 Block2, hai bệ phóng tên lửa phòng không có điều khiển Mistral, một khẩu pháo 76 mm, hai đại bác 20 mm cùng nhiều ngư lôi chống ngầm. Tàu dài 91 m, chiều rộng 13 m, lượng giản nước 1692 tấn, tốc độ 28 hải lý giờ, tầm hoạt động 3.600 hải lý (6.000 km). Công nghệ Sewalth Technology cũng được sử dụng, có thể làm mất dấu trên màn hình rada của địch.
2. Tàu ngầm,
Tàu ngầm là lực lượng rất quan trọng của hải quân, năm 1997 hải quân VN có 2 tàu ngầm hạng nhẹ loại Yuko mua của Bắc Hàn. Năm 2007, VN đặt mua của Nga 6 tàu ngầm hiện đại loại Kilo 636, trị giá hợp đồng lên đến 1.8 tỷ MK, sẽ chuyển giao chiếc đầu tiên vào năm tới, sau đó mỗi năm giao một chiếc. Theo hợp đồng thì Nga sẽ giúp xây dựng căn cứ tàu ngầm, bảo trì, huấn luyện hoa tiêu và thũy thủ đoàn cho hạm đội tàu ngầm này.
Tàu ngầm lớp Kilo 636 có thể dùng để chống tàu ngầm cũng như tàu chiến thông thường và trong hoạt động tuần tra kể cả trong vùng biển cạn. Đặc biệt khi tàu hoạt động ít phát ra tiếng động nhất thế giới. Thũy thủ đoàn có 57 người.Trọng tải 2.300 tấn, đạt độ sâu 350 mét, tầm hoạt động 6.000 hải lý, trang bị hỏa tiển Club-S rất hiện đại và các ống phóng ngư lôi 533 mm (Trung Quốc có 12 chiếc loại Kilo 636, và Nga có 16 chiếc loại này).
Năm 2010, VN có thương lượng với Serbia để mua hạm đội tàu ngầm củ của Serbia nhưng không thành vì tất cả hạm đội đều được bán cho Ai Cập.
 
Công nghệ đóng tàu hiện nay của Việt Nam với sự hợp tác của Ba Lan, Thụy Điển, Hà Lan, Nga, và có hàng ngàn kỷ sư chuyên ngành đóng tàu biển người Việt du học tại các nước này nên VN đã đóng thành công và cho hạ thũy các tàu hàng có trọng tải lớn đến 20.000 tấn. VN cũng biết rằng muốn mạnh để bảo vệ tổ quốc là phải phát triển lực lượng hải quân, vì vị trí đặc biệt lảnh thổ của VN mỏng, chạy dài theo bờ biển Đông đến hơn 2.000 km và có vùng lảnh hải rộng lớn. Trong lịch sữ thế giới, ngay từ thời La Mã đến các thế kỷ 16-18, thời Đệ I & II Thế chiến và cho đến ngày nay các quốc gia hùng mạnh đều có lực lượng tàu chiến hùng mạnh. Do đó VN cũng đang từng bước xây dựng lực lượng hải quân theo đà phát triển kinh tế của nước mình.
 
B. KHÔNG QUÂN:
 
Lực lượng không quân VN được xem là lạc hậu, với một số vận tải cơ và trực thăng thời chiến tranh lạnh. Chiến đấu cơ có 125 chiếc Mig-21 ngày nay được xem là loại lổi thời. Tuy nhiên Ấn Độ có thỏa hiệp giúp VN hiện đại hóa quân đội nên Ấn độ sẽ giúp nâng cấp số chiến đấu cơ này.
Nhằm mục đích hổ trợ cho lực lượng hải quân, VN có hợp đồng mua 20 chiến đấu cơ hiện đại Sukhoi SU-30MK2 của Nga, trị giá mỗi chiếc 50 triệu MK. Không quân VN đã tiếp nhận 8 chiếc, số còn lại sẽ giao vào cuối năm 2011. SU-30MK2 là phiên bản nâng cấp của loại SU-27UB Flancker hai chổ ngồi, có thể được trang bị tên lửa siêu âm Brahmos để tiêu diệt tàu chiến và đối với mục tiêu mặt đất.
Việt Nam cũng chú ý đến loại phi cơ tàng hình SU-50, loại này còn đang thử nghiệm có thế đến vài ba năm nữa mới sản xuất rộng lớn. Điều đó cho thấy quân đội VN muốn cho thế giới biết rằng VN cũng có sở hữu các loại vũ khí hiện đại nhất.
Để tăng cường thêm khả năng phòng thủ bờ biển, VN mua 6 phi cơ đa dụng DHC-6 Twin Otter Series 400 để tuần tra biển của Canada. Năm ngoái, VN mua 3 máy bay tuần duyên EADS-CASA C212 Series 400 từ Tây Ban Nha và một hệ thống rada trên không MSS 6000 của Thụy Điển. Mua 4 hệ thống rada Kolchuga của Ukraine cũng trong năm ngoái, tổng trị giá 4 hệ thống rada này là 108 triệu MK. Mỗi hệ thống gồm 3 thiết bị quét có thể bao quát 32 mục tiêu trên không, đất liền và trên biển.
 
C. HIỆN ĐẠI HÓA CÁC QUÂN CHỦNG TRÊN BỘ:
 
Ngoài việc gấp rút hiện đại hóa hải quân và không quân, VN cũng chú trọng đến Bộ Binh và các Quân Chủng khác trên bộ.
 
1.- Về bộ binh, quân đội nhân dân duy trì khoảng 600.000 quân chủ lực, và khoảng 3.000.000 quân trừ bị. Từ đầu năm 2010, các cán binh phục viên (lực lượng trừ bị tại gia) đều được gọi trở lại các Trung tâm Huấn luyện để tập huấn 1 tháng.
 
2.-. Bộ Đội Tên Lửa phòng thủ duyên hải: Bộ đội này mới thành lập gần đây trang bị tên lửa Bastion phòng thủ bờ biển chống tàu chiến. Theo các chuyên viên quân sự thì cho rằng đơn vị tên lửa Bastion đặt tại Quân Khu 5 (Đà Nẳng). VN có 2 hệ thống tên lửa này, mỗi hệ thống gồm 4 xe mang ống phóng tự hành K-340P (mỗi xe mang 2 ống phóng TPS chứa đạn tên lửa), 2 xe điều khiển K380P MBU (trọng tải 25 tấn trên khung xe MZKT- 65273) có thể chuẩn bị chiến đấu chỉ trong 3-4 phút. 4 xe chở đạn K-342P TZM (trên khung xe MZKT-7930) được trang bị cần cẩu có trọng tải 5.9 tấn dùng để tiếp đạn cho xe K-340P và các thiết bị hổ trợ kỷ thuật khác. VN đã đặt mua của Nga thêm một số nữa nhưng số lượng không được công bố. Trong hợp đồng  Nga sẽ giao thêm 2 hệ thống tên lửa loại này vào năm tới. Báo công nghệ quốc phòng Nga nói rằng hệ thống Bastion là “thành tựu” của công nghiệp sản xuất tên lửa của Nga, có khả năng tiêu diệt các loại chiến hạm từ tàu đổ bộ, tàu vận tải yểm trợ, cụm tàu chiến và máy bay thuộc nhóm tấn công, cũng như diệt hạm tàu đơn lẻ ở cự ly 300 km. Loại hỏa tiển này có thể phòng thủ bờ biển dài 600 km. 
3. Bộ đội Phòng Không, quân chủng này vừa trang bị hệ thống tên lửa đời mới S300 PMU-1, là loại hiện đại dùng để đánh chặn tên lửa tấn công của địch, các chuyên viên vũ khí so sánh nó tương đương với loại tên lửa Patriot của Hoa Kỳ, có khả năng tiêu diệt phi cơ lẩn tên lửa đối phương và có thể tấn công nhiều mục tiêu tại nhiều cao độ khác nhau. Tên lửa S300-PMU-1, quân đội VN đang sở hữu 2 hệ thống gồm 12 ống phóng và hơn 60 tên lửa định vị bằng rada, VN cũng đã đặt mua thêm loại tên lửa này nhưng số lượng không được tiết lộ.
 
3. Bộ đội tên lửa đạn đạo: Trong chuyến viếng thăm Ấn Độ trong tháng 10 vừa qua của ông Nguyễn Tấn Dũng,  báo chí Ấn Độ loan tin VN cũng có thương thảo hợp đồng mua nhiều tên lửa siêu âm Brahmos của Ấn Độ. Loại tên lửa này có thể đặt trên xe, hoặc trang bị cho tàu chiến và cho máy bay hiện đại SU-30 MK2. Giá trị hợp đồng không được tiết lộ. Đồng thời VN cũng thương thảo với Israel mua nhiều tên lửa Extra là loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn, có thể dùng ống phóng cố định hoặc gắn trên xe ghép từng 4 ống một để tăng cường cho các đơn vị tên lửa loại mới Extra này. Có tin là để phòng thủ Trường Sa. Website của Cơ quan Công nghệ hàng không Israel (IAI) cho biết loại tên lửa này có tầm bắn 150 km, mang đầu đạn 125 kg, có độ chính xác sai lệch mục tiêu chưa tới 10 m, trị giá hợp đồng không được tiết lộ.
Theo ông Robert Karniol cây viết có tiếng về các vấn đề quân sự trong khu vực  là VN hiện đang đàm phán với Bắc Hàn để hiện đại hóa các tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud sau khi đã mua một số lượng không xác định loại tên lửa đất đối đất này.
4.- Thiết Giáp, VN cũng đang đề nghị nhờ Israel nâng cấp vài trăm chiến xa T-55.
 
5.- Pháo Binh, quân chủng Pháo Binh cũng được Ấn Độ giúp nâng cấp các loại đại pháo 130 mm và 155 mm. Việt Nam cùng Ấn Độ đang ngắm nghé loại đại bác 155 mm loại mới của công ty ST. Enginnering của Singarpore .
 
II . HỢP TÁC QUỐC PHÒNG VỚI CÁC QUỐC GIA LÂN BANG:
 
Tháng 10 vừa qua, Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ Tướng  Nguyễn Tấn Dũng, Thứ Trưởng quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh và Tư Lệnh hải quân ký một số thỏa hiệp quốc phòng với Phillipine, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ… như thiết lập đường dây nóng giửa các lực lượng hải quân, trao đổi thông tin, cứu trợ trên biển và hợp tác quốc phòng …
Chính sách Trung Quốc chủ trương giải quyết tranh chấp vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa bằng cách đối thoại song phương có ý đồ bẻ gảy từng chiếc đủa trong bó đủa ASEAN. Philipine là quốc gia mạnh dạn lên tiếng phản đối Trung Quốc, và mới đây là Nhật Bản hô hào khối ASEAN hãy đoàn kết để đương đầu với chính sách bành trướng ra Biển, đe dọa an ninh đường hàng hải quốc tế qua eo biển Malaca và Đông Hải của Trung Quốc. Đối với VN và một số các quốc gia khác thì chủ quyền biển đảo bị xâm phạm.
Trước sự kiện này, nhân chuyến thăm Nga của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký hợp đồng mua vũ khí khổng lồ mà các bình luận viên cho rằng để đối phó với ảnh hưởng và vị thế ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực. Các kênh chính thống của VN đều bác bỏ nhận định ấy, nói rằng VN chỉ củng cố quốc phòng để tự vệ và bảo vệ chủ quyền mà thôi.
 
Tổ chức nghiên cứu Jamestown Foundation tại Washington vừa đăng bài của tác giả Stephen Blank. Bài báo nhận định đối với Hà Nội việc mua vũ khí khổng của Nga vừa qua không chỉ đơn giản tăng cơ số máy bay, tàu ngầm. Đây là một phần trong kế hoạch phát triển khả năng quốc phòng của Việt Nam, nhưng cũng là dấu hiệu đáng quan tâm cho thấy Hà Nội đang muốn củng cố lại quan hệ với Moscow để đối trọng với Bắc Kinh.
 
Đối với Hoa Kỳ, VN cũng muốn Mỹ can thiệp vào vấn đề Biển Đông vì chỉ có Hoa Kỳ mới có khả năng đương đầu với lực lượng hải quân Trung Quốc. Mặc dù VN tận sức hiện đại lực lượng không quân và hải quân nhưng so với Trung Quốc thì còn quá yếu ớt. Kỷ nghệ quốc phòng của Trung Quốc cao, khả năng tự sản xuất rất lớn còn mua sắm thêm vũ khí mới của các nước khác.
Theo cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu thì tất cả lực lượng hải quân của các nước Đông Nam Á cộng lại cũng không thể chống lại với Trung Quốc, ngay cả hải quân của Ấn Độ hay của Nhật Bản. Dù Nhật Bản có công nghệ quốc phòng khá cao, tự đóng tàu lớp Kongo, một trong những tàu khu trục hiện đại nhất châu Á dựa vào thiết kế tàu lớp Arleigh Burke của Mỹ, và chế tạo máy bay tiêm kích Mitsubishi F-2 là loại máy bay tiêm kích F-16 của Mỹ theo giấy phép chuyển giao công nghệ giửa Mỹ và Nhật.
 
Bà Hallary ngoại trưởng Hoa Kỳ có tuyên bố Mỹ có quyền lợi quốc gia trên Biển Đông.
 
Khi trả lời cuộc phỏng vấn của BBC, Tiến sĩ Mark Valancia làm việc cho văn phòng nghiên cứu quốc gia về châu Á của Mỹ:
BBC: “Ngay tại Philipine, chính giới đã từng yêu cầu Mỹ nói rõ có bảo vệ Philipine hay không nếu có xung đột tại vùng đảo tranh chấp. Kết quả đến nay không có câu trả lời rỏ rệt?
TS Mark Valencia: “Đúng vậy, Mỹ nói là sẽ cung cấp thiết bị, bán vũ khí, có thể là tin tình báo, rồi đào tạo. Nhưng Mỹ không cam kết gởi quân đội.
Lý do là vì các tuyên bố chủ quyền trái ngược nhau không thật sự có ý nghĩa với Mỹ. Điều có ý nghĩa với họ là “tự do đi lại”. Tôi dùng chữ “cái gọi là” với ý nghĩa rằng cái cụm từ “tự do đi lại” là theo cách diễn giải của Mỹ, một cách diễn giải gần như mang tính tuyệt đối.
Nếu Trung Quốc bắt đầu can thiệp theo cách mà Mỹ xem là xâm phạm tự do đi lại, thì Mỹ có thể sẽ có hành động. Nhưng điều đó khác với việc đòi hỏi của một nước về một hòn đảo nào đó.
BBC: “Một số người VN mong muốn VN làm đồng minh với Mỹ hay Ấn Độ để đối chọi Trung Quốc ở Biển Đông, ông nghĩ thế nào ?
TS Mark Valencia: “Đây là câu hỏi khó, sẽ tốt hơn nếu VN và Trung Quốc tự giải quyết với nhau. Nếu VN lại chơi “lá bài Mỹ” Trung Quốc sẽ nuôi cảm giác giận dữ.
Người ta cần nghĩ về lâu dài, VN vẫn sẽ phải sống với Trung Quốc. Vì thế, theo tôi, sẽ tốt hơn nếu VN giải quyết vấn đề trực tiếp với Trung Quốc, hơn là chơi “lá bài Mỹ”.
 
Quan điểm của TS Mark Valencian là một trong những lý do làm cho VN chưa thể đến gần hơn với Hoa Kỳ. Vài lý do khác cũng là một trở ngại của chủ trương lôi kéo nhiều cường quốc vào Biển Đông “không thuận buồm xuôi gió” khi Hoa Kỳ và Nga có quyền lợi khác nhau tại VN. Hơn nữa các quốc gia trong vùng như Singapore và Thái Lan tỏ ra quan ngại khi Hoa Kỳ giúp VN có khả năng quốc phòng vượt trội hơn các nước trong khu vực. Và theo cái nhìn của VN chơi với Mỹ “hơi khó” vì luôn kèm theo vài điều kiện như vấn đề nhân quyền làm họ lo ngại quyền lực cai trị của họ có cơ hội bị lung lay.
Chính vì vậy mà Ấn Độ mới là quốc gia thích hợp để VN hợp tác chặc chẻ trên nhiều lảnh vực Kinh Tế, Ngoại giao, Quốc Phòng, ngoại trừ về mặt Chính Trị.
Về mặt vũ khí, Ấn Độ và VN có điểm tương đồng là sử dụng nhiều loại vũ khí và chiến cụ giống nhau. Nên Ấn Độ dễ dàng giúp VN nâng cấp kho vũ khí của mình, huấn luyện chuyên viên quân sự trong các ngành sử dụng kỷ thuật cao. Giúp xây dựng xưởng sửa chửa tàu chiến. Ngược lại VN cho hải quân Ấn cập bến các quân cảng của mình và nhận giúp sửa chửa tàu chiến cho hải quân Ấn. Việt Nam hoang nghênh chính sách “hướng về Biển Đông” của Ấn Độ, và Ấn Độ xem VN như tiền đồn ngăn cản Trung Quốc bành trướng thế lực sang Ấn Độ Dương. Điều này cũng phù hợp với chính sách ngoại giao của các nước Tây Phương là trao cho quốc gia có tiềm lực kinh tế và quân sự đang lên, hùng mạnh và đông dân đứng hàng thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc vai trò lảnh đạo khu vực Nam Á và Đông Nam Á châu.
 
Chính sánh tăng cường khả năng quốc phòng và bắt tay với nhiều cường quốc của VN để đối trọng áp lực của người láng giềng khổng lồ luôn tìm cách xâm lấn, chuyên gia Dương Hy Vũ Lu của Trung Quốc tố cáo rằng chính sách đó của VN luôn luôn lôi kéo Nga và Mỹ vào tranh chấp Biển Đông; và không chỉ hai nước này mà càng nhiều nước lớn càng tốt nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Ông Dương nói trên CCTV: “VN có thể ngăn cản được các quốc gia lân cận khác ở Biển Đông, nhưng đã quá tự phụ nếu cho rằng có thể cản bước Trung Quốc”.
 
Theo giáo sư Cartyle Thayer chuyên gia về VN của Australia nhận định việc mua vũ khí là nhằm phản ứng trước công cuộc hiện đại hóa quân lực trong vùng, đặc biệt là Trung Quốc: “VN không thể đối đầu với Trung Quốc trong cuộc xung đột, nhưng điều VN có thể làm là khiến Trung Quốc phải trả giá đắc nếu tiến vào hải phận. VN cần bảo vệ dầu và khí đốt. Sau năm 2020, họ hy vọng hơn 50% GDP là nhờ vào kinh tế  biển. Vì thế VN có quyền lợi quốc gia là phải bảo vệ chủ quyền”.
 
Tiến sĩ Richard Weitz giám đốc viện nghiên cứu quốc phòng Hudson Washington DC đưa ra nhận xét ví von là VN áp dụng chiếc lược “xù lông nhiếm”, tức là dương oai nhưng không làm tổn hại đến Trung Quốc nhằm tránh cuộc chạy đua vũ trang. Và Việt Nam có cả chiến lược cân bằng quyền lực từ bên ngoài nữa.
 
Trung quốc khó có thể đánh chiếm VN vì vô cớ mà tấn công một quốc gia là thành viên của Liên Hiệp Quốc thì quốc tế sẽ can thiệp, đặc biệt là Hoa Kỳ và các cường quốc tây phương. Nhưng Trung Quốc có thể tạo một lý do nào đó để đánh chiếm thêm một vài đảo nhỏ trong quần đảo Trường Sa để xác định chủ quyền của mình, đó là điều mà Trung Quốc có thể làm. Nhìn lại trong vài ba thập niên qua Trung Quốc lấn chiếm dần khi có cơ hội, đó là chủ trương Hán hóa từng bước đã có từ ngàn xưa. Nhưng muốn đánh VN Trung Quốc phải cân nhắc giửa cái lợi và cái hại, lợi gì và hại gì? Món mồi VN béo bở nhưng không phải dể nuốt, trong lịch sử VN đã từng chiến thắng với các đối thủ không hề cân xứng. VN không thể đương đầu với Trung Quốc bằng quân sự, nhưng đánh VN Trung Quốc phải trả giá đắt, không chỉ về mặt quân sự mà còn làm cho tất cả các quốc gia lân bang đều phải liên minh với Hoa Kỳ để đối chọi lại. Cái thế Trung Quốc bị Hoa Kỳ và Tây Phương bao vây rất rỏ ràng, phía bắc là Nga, phía tây là Liên Minh NATO, phía đông là Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan. Phía Nam thì có Ấn Độ và khối ASEAN. Chưa kể việc đối nội có nhiều dấu hiệu bất ổn, Tây Tạng, Tân Cương và phong trào đòi dân chủ đang là ngọn lửa âm ỉ trong nước. Nếu tính sai một nước cờ liệu Trung Quốc có lặp lại trang lịch sử của thế kỷ 19 không? Trung Quốc lại bị các cường quốc xâu xé thành từng mảng. Ý kiến của một chuyên gia Đài Loan về vấn đề Á Châu thì việc phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc tự nó đã là một sự phòng thủ rồi.
 
Chính sách phòng thủ của Việt Nam có hiệu quả không cũng còn tùy thuộc nhiều vào sự khôn khéo của cấp lảnh đạo Việt Nam trong vấn đề đối phó với “người anh em to con nhưng xấu bụng” luôn tìm cách thôn tính VN? Có chính sách đối nội thực tiển và hữu hiệu để tập hợp mọi tiềm năng của dân tộc trong việc cứu nguy đất nước trước hiểm họa của giặc phương Bắc? Và cách tính toán trong mưu đồ bành trướng ra Biển của Bắc Kinh cũng là một yếu tố rất quan trọng.

 

Lê Hữu Uy

Pour être informé des derniers articles, inscrivez vous :
Commenter cet article